Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Bốn

 VINH QUY - KHAO VỌNG
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

 
I - VINH QUY

Tin người đỗ báo về làng, dân làng liền cử người ra gập ông Tân khoa để ấn định ngày rước về nguyên quán. Ðỗ Cử-nhân được hàng tổng rước, đỗ Tú-tài được hàng xã rước.

Ngày vinh quy đã ấn định, dân làng họp ở đình để cắt cử phu đi rước, những người trong họ ông Tân khoa đều được miễn dịch.

Ðám rước có cờ xí, kèn trống, bát bửu (8 món đồ quý như đàn, sáo, bầu rượu, túi thơ, lẵng hoa, quạt, gương, lược vv.), long đình (kiệu có mui) để mũ áo vua ban, che hai lọng vàng, võng của ông Tân khoa che một lọng xanh, cuối cùng là chức sắc trong làng.

Dọc đường, dân các làng cùng một tổng đặt hương án ở đầu làng, che một lọng xanh, trên bầy đồ ngũ sự (bình hương, đèn nến, lọ hoa, đỉnh). Khi đám rước đến nơi, pháo nổ, ông Tân khoa xuống võng chào hỏi rồi lại tiếp tục đi. Dân làng cử đại diện nhập bọn kèm theo mấy lá cờ và hương án.

Về đến làng, pháo lại nổ, hương chức ra đón tận cổng làng đưa về nhà. Ông Tân khoa làm lễ cáo ở từ đường (nhà thờ một họ) rồi ra Văn chỉ, đình, miếu, làm lễ.

Họ hàng, bạn hữu, dân làng tấp nập đem quà đến mừng đầy nhà (hoành phi, câu đối, trầu cau, rượu trà, pháo vv.).

Thời mới Pháp thuộc, có người đỗ bằng Tân học cũng bắt chước vinh quy bằng xe kéo hay xe hơi.
 

I I - KHAO VỌNG
Theo tục lệ, ông Cử mới phải làm tiệc ăn khao, giết trâu, mổ bò, dựng rạp để thết đãi cho long trọng, không khao thì làng không thừa nhận. Lễ khao vọng có thể kéo dài mấy ngày, nghèo không đủ tiền thì phải đi vay. Có những nhà giầu kén rể sẵn sàng bỏ tiền ra giúp và không thiếu gì người bị bọn lưu manh thừa dịp lừa đảo như trường hợp "Mẹo lừa" mà Phạm Ðình Hổ kể trongVũ Trung Tùy Bút.

Sau lễ khao vọng, nếu ông Cử không có ý định chuẩn bị năm sau thi Hội thì chỉ còn ngồi chờ triều đình bổ dụng ra làm quan, bắt đầu từ các chức Huấn đạo, Giáo thụ (thất phẩm) thăng dần lên Tri huyện, Tri phủ (lục phẩm)... Cao Xuân Dục chỉ đỗ Cử-nhân mà sau làm quan đến nhất phẩm, được cử đi chấm cả thi Hội.

Tú-tài không được dự thi Hội, cũng không được bổ dụng (trừ những trường hợp đặc biệt như Phạm Ðình Hổ, Phan Huy Chú), nên lại bắt đầu rèn tập đợi khoa thi Hương sau.
 

VINH QUY

Ðến ngày đã định, tất cả làng hội họp tại đình cắt cử đàn anh hương lý và rất đông trai tráng đem đủ nghi lễ xuống tận huyện nha đón rước vị Khôi nguyên.

Tâm cũng vừa về tới huyện. Chàng mặc phẩm phục, đội mũ, đi ủng, do một tên hầu cầm lọng xanh che đi vào huyện chào quan Ðồng tri. Vào đến cổng, trên chòi canh nổi giật sáu tiếng trống báo, tức thời cánh cổng mở rộng, một hàng lính đứng thẳng chống giáo chào. Và một tràng pháo nổ. Quan Ðồng tri nghiêm chỉnh trong cái áo tấc mầu lam tiến xuống sân công đường đón. Tâm vái chào :

"Hạt dân xin kính chào quan lớn".

"Bản chức xin có lời mừng quan Giải nguyên".

Rồi hai người dắt nhau vào công đường chia ngôi chủ khách, cười nói vui vẻ. Quan Ðồng gọi lấy giấy hoa tiên đề một bài thơ mừng Tâm, chàng họa ngay vần đáp tạ lại. Ở công đường ra, chàng rẽ sang dinh quan Huấn đạo. Ở đây cuộc tiếp kiến cũng tương tự như bên Nha. Lúc trở về đã thấy đông đủ dân làng tụ tập ở cổng huyện, chàng vái chào đáp lễ các hương chức xuống đón mình, vồn vã hỏi thăm.

(...) Ðám rước khởi hành, có quan Ðồng Phủ, quan Huấn đạo và tất cả nha lại ra ngoài cổng huyện tiễn. Bái biệt các quan, Tâm bước lên cái võng xanh mắc vào cái đòn sơn then chạy chỉ đỏ do hai phu làng khiêng. Hai tên phu mặc áo chùng thâm thắt ngoài một cái thắt lưng xanh bỏ múi về hông bên phải. Một tên phu khác, cũng ăn mặc như thế, cầm cái lọng xanh che kèm. Ðám rước bắt đầu đi. Hai mươi lá cờ ngũ sắc rải rác đều nhau, bay phất phơ trước gió. Tiếp đến hai hàng bát bửu và gươm giáo do những tên phu mặc áo nẹp đỏ vác trên vai đi rất nhịp nhàng, đều đặn như toán quân ra trận. Sau đó là một cái trống tiêu cổ sơn đỏ thiếp vàng óng ánh, thỉnh thoảng được điểm mấy tiếng bong bong từ tay một người đã đứng tuổi, đầu đội nón dứa chóp bạc, quai lụa bạch. Rồi đến một cỗ kiệu vàng ối ngất nghểu trên vai bốn tên phu mặc áo nâu đỏ. Trên kiệu để mũ áo và hốt của vua ban, có hai cái lọng vàng đi kèm. Sau đó là cái võng của Tâm, có hương lý một lũ theo sau. Chiếc trống cái do hai tên phu khiêng đi tập hậu, chốc lại điểm mấy tiếng đo đường oai vệ. Vừa ra khỏi phố Huyện, người ta trông ngay thấy ở đằng xa mấy lá cờ bay phất phới ở bên một cái hương án che lọng, trên có đôi lọ song bình cắm hoa và một mâm bồng ngũ quả. Mấy người lố nhố đứng bên. Ðám rước đi đến đấy, một tràng pháo nổ. Mọi người đều phải ngừng lại. Tâm xuống võng vui vẻ chào mừng hương lý đã có lòng tốt ra đó tiếp chàng. Nói chuyện qua loa chàng lại lên võng. Và đám rước lại đi, có thêm ở đằng sau mấy lá cờ của làng ấy đi theo để tiễn về đến tận nhà, vì đây cũng là một làng cùng tổng, cái tổng chưa có một người đỗ đạt nào ! Ðám rước lại đi. Và từ đấy về đến nhà, Tâm phải xuống võng sáu, bẩy bận nữa để đáp lễ những làng ra bái vọng, ở dọc đường qua. Ðến quá mùi, đám rước mới đến làng. Tất cả các bô lão, nhân dân đều đủ mặt ở ngoài cổng làng ngóng đợi. Trông thấy võng Tâm, họ vui vẻ reo hò như hoan hô một vị đại anh hùng. Chàng chả là một vị anh hùng rồi còn gì ! Chàng xuống võng vái chào các bậc già cả, hỏi han hết mọi người, như người đi xa mới về. Tất cả đoàn người đều thứ tự kéo vào nhà ông lý Tưởng, tiếng pháo nổ vang lừng. Sau khi vào bái tổ ở Từ đường, sau khi đã lễ bái tạ ở đình và ở miếu, chàng mời mọi người vào ăn tiệc, một bữa tiệc linh đình mà ông lý đã hiệp cùng nhà vợ chàng sửa ra để thiết mọi người. Khách ăn đông quá, phải ngồi san ra mấy nhà hàng xóm. Người ta phá cả bờ rào để đi lại cho tiện. Bà con, họ hàng, ai cũng muốn góp một phần vào bữa tiệc hiếm có này mà không nề tốn phí, thiệt thòi.

(...) Tiệc mừng còn kéo dài tới hai, ba ngày. Các bạn làng nho trong vùng đến mừng đủ mặt, câu đối ca tụng treo đỏ se cả nhà.

Ngày hôm sau, Tâm đến bái tạ ông đồ dậy học vỡ lòng. Một gánh quả lễ vật đi trước. Tâm che lọng xanh đi giữa. Ðằng sau một tên gia nhân đội cái hòm sơn mới sắm đựng mũ áo đăng khoa. Ðến nơi, Tâm vào nhà một người bạn mặc phẩm phục rồi mới đem lễ vào nhà thầy. Ông đồ đon đả ra đón. Tâm chắp tay vái chào :

"Lạy thầy ạ !"

Ông đồ vái lại :

"Chào thầy tân khoa !"

Lễ vật để lên bàn thờ, đèn hương đã thắp rồi, chàng nghiêm trang vào lễ bốn lễ bái tổ. Lễ xong, chàng ra xin phép lạy tạ ông đồ. Ông xua tay nói lắp :

"Thôi ! Thôi ! Xin thầy miễn cho !Xin, xin..."

Tâm cung kính thưa :

"Bẩm thầy, công thầy khai hóa trước tiên, con chưa lấy gì báo đáp, đạo học mênh mông, ơn giời bể. Một lễ sống bằng đống lễ chết, xin thầy cho phép..."

Vừa nói chàng vừa sụp xuống lạy. Ông đồ ngồi tránh ra một bên. Lạy hai lạy đứng lên vái ba vái rồi Tâm xin phép lui ngồi vào giường bên. Bây giờ ông đồ mới đứng dậy trước mặt Tâm và nói :

"Nẫy ông giả nghĩa thầy mà lạy tôi, bây giờ tôi là người học trò hèn xin lễ mừng một vị thủ khoa..."

Tâm vội vàng đứng dậy đỡ thì ông đồ đã sụp xuống rồi. Chàng phải nằm soài xuống ôm ông lên. Ở ngoài bọn phu khúc khích cười ông đồ quá cẩn thận.

Lược trích Chu Thiên, Bút Nghiên
 
MẸO LỨA

Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1772), đời Cảnh-hưng, kỳ tứ trường đã vào thi xong. Khi ấy có một mụ già vào chơi một nhà giầu ở phố Hàng Chiếu Ðông-hà. Nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ nói có quen một ông được vào trúng cách (1), nay mai sắp sửa là một quan tiến sĩ tân khoa. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu. Mụ nói ra rõ cả, và cho biết quan tân khoa nhà vốn nghèo, chưa có vợ, đến khi đình thí, truyền lô (2) xong không biết vinh quy thì quan tân khoa thu xếp ra sao ? Chủ nhân có ý hâm mộ, nói với mụ rằng :"Tôi có một đứa con gái kể cũng không đến nỗi quê mùa ; mụ có thể làm mối cho thành lứa đôi thì bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh quy quan tân khoa không phải lo gì cả". Mụ làm ra bộ khó khăn, đi lại đến ba bốn lần, cuối cùng mới mời quan tân khoa đến chơi nhà phú hộ ấy xem mặt người con gái. Chủ nhân liền mời quan tân khoa nghỉ lại một đêm, và cho con gái ra yết kiến. Mụ mối xui giục chủ nhân cho cô ta tiếp quan tân khoa cùng ngủ, đính ước sau khi yết bảng đỗ rồi thì làm lễ thành hôn. Sáng hôm sau, quan tân khoa xin cáo từ, chủ nhân tặng cho rất hậu. Từ đấy, chủ nhân chỉ trang sức cho con gái, đợi ngày nghênh hôn. Kịp đến khi truyền lô, tứ yến (3) xong rồi thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người nhà đi hỏi dò các quan tân khoa tiến sĩ ; không có người nào như anh chàng ngủ đêm hôm trước. Lúc ấy mới biết mình bị lừa, hối hận không được nữa. Chuyện ấy huyên truyền khắp cả kinh thành, ai nghe cũng buồn cười.
 

Phạm Ðình Hổ,Vũ Trung Tùy Bút
1 - Trúng cách = đỗ thi Hội, được phép dự thi Ðình.

2 - Truyền lô = lễ truyền loa gọi tên những người đỗ, long trọng hơn lễ Xướng danh thi Hương.

3 - Tứ yến = yến vua ban.